Chủ Nhật, 31 tháng 12, 2000

Vì sao giun móc gây thiếu máu?

Tôi 31 tuổi, khoảng hơn một năm nay người gầy, da nhợt nhạt. Đi khám kết quả ghi là thiếu máu nghi do giun móc. Vì sao giun móc gây thiếu máu? Cách phòng và điều trị?   

Trần Thị Tin (tin783@gmail.com)

Từ người có bệnh giun móc, trứng giun theo phân ra đất, gặp điều kiện thuận lợi nở thành ấu trùng, sống ở đất nhiều tháng. Khi tiếp xúc với da người, ấu trùng chui qua da, gây ra những nốt mẩn đỏ, ngứa trong khoảng 3 - 4 ngày rồi tự hết. Ấu trùng vào máu và bạch huyết rồi lên phổi, chui vào phế nang, di chuyển lên phế quản và họng rồi được nuốt vào ruột non. Trong ruột, giun móc sống ở tá tràng, ruột non, gây nên những cơn đau bụng ở vùng trên rốn, đầy bụng, buồn nôn. Khi hút máu ở thành ruột, giun móc tiết ra độc tố ức chế cơ quan tạo máu, gây thiếu máu kéo dài dẫn đến thiếu sắt, thiếu máu nhược sắc. Mặt khác khi hút máu, giun móc gây ra những vết loét chảy máu rỉ rả, nên người bệnh bị mất máu nhiều hơn lượng máu bị giun hút. Bệnh nhân bị giảm protein máu kèm theo triệu chứng da xanh, niêm mạc nhợt nhạt, mạch nhanh, chóng mặt,  khó thở, phù nhẹ ở mặt và chi.

Điều trị: Phải diệt giun móc kết hợp với chữa thiếu máu. Bạn cần thực hiện đúng chỉ định điều trị của bác sĩ đã khám bệnh cho bạn. Phòng bệnh: Xử lý phân hợp vệ sinh. Diệt ấu trùng giun móc bằng cách rắc vôi bột ở những nơi ô nhiễm nặng. Tránh ấu trùng nhiễm vào người bằng cách mang xà cạp, đi ủng, đeo găng tay cao su khi lao động, khi tiếp xúc với đất, cát.                  

BS. Nguyễn Bằng Việt

0 nhận xét:

Đăng nhận xét